Chợ tình Khâu Vai - Đến hẹn lại về…
2013-02-08 23:32:28 - Copy of Tác giả : Thanh Nguyên $$ GEMICO.,LTD editChợ tình Khâu Vai - Đến hẹn lại về…
Hàng năm, cứ vào đêm 26, rạng sáng 27/3 âm lịch, trên đỉnh núi Khau Vai thuộc xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, người dân và du khách lại về tham dự lễ hội Chợ tình Khâu Vai.
Hàng năm, cứ vào đêm 26, rạng sáng 27/3 âm lịch, trên đỉnh núi Khau Vai thuộc xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, người dân và du khách lại về tham dự lễ hội Chợ tình Khâu Vai.
Ảnh khai thác.
|
Chợ tình Khau Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, có từ năm 1919, chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 (âm lịch); gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa...
LTS: Tại Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVII tại tỉnh Điện Biên Phủ với chủ đề “Báo chí với việc tuyên truyền truyền thống, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong thời kỳ hội nhập”, đoàn Báo Hà Giang do Tổng Biên tập Lê Trọng Lập dẫn đầu, tham luận tại Hội thảo với nội dung: “Tuyên truyền “Chợ tình Khau Vai” - một địa chỉ mang đậm các giá trị văn hóa nhân văn, điểm đến của các tour du lịch gắn liền với truyền thống cội nguồn của tỉnh Hà Giang”.
Lễ hội Chợ tình Khau Vai (27/3 âm lịch) đang đến gần, Tòa soạn xin giới thiệu tham luận trên với bạn đọc để hiểu thêm về Chợ tình Khau Vai, ngày hội của tình yêu nơi đỉnh cao cực Bắc.
I- Xuất xứ và đặc điểm văn hóa của Chợ tình Khau Vai:
* Đặc điểm văn hóa nhân văn của Chợ tình Khau Vai:
Chợ tình Khau Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, có từ năm 1919, chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 (âm lịch); gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa, gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ. Vì đây là địa điểm, là nơi để người ta tìm đến với nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình chắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không gen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng sự cho phép đó, những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra trong ngày chợ đó, hết ngày 27/3. “Cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục và pháp luật, đều có thể bị trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm (thực tế tại Chợ tình Khau Vai, các đôi bạn tình có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3, chợ tình bắt đầu từ đêm 26 kết thúc vào chiều tối ngày 27).
Người đến chợ chủ yếu là các cặp tình nhân các dân tộc: Tày, Nùng, Giấy từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, từ các xã của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sang.
* Xuất xứ của Chợ tình Khau Vai:
Chuyện kể rằng ngày xưa ở vùng Khau Vai có một chàng trai dân tộc Nùng, xuất thân nhà nghèo, làm ruộng, là con thứ 3 nên gọi là chàng Ba. Chàng Ba đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú, thổi sáo rất hay, chăm làm, thương người, được rất nhiều cô gái trong làng trộm nhớ thầm yêu. Tại nhà tộc trưởng người Giấy có cô con gái út: Đến tuổi trăng rằm, xinh đẹp nhất làng, nàng hát rất hay, con nhà giầu nhưng thích đi chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng cùng chúng bạn; đã có biết bao nhiêu chàng trai trong vùng ngỏ lời, nhưng nàng đều khước từ, vì nàng và chàng Ba đã mê say nhau ngay từ lần đầu tiên chạm mặt. Biết tin nàng yêu chàng Ba, bố mẹ, họ hàng nhà nàng đều phản đối vì không “môn đăng hộ đối”; hơn nữa, tục lệ làng không cho lấy người khác dân tộc; càng cấm đoán, mối tình họ càng bùng cháy và họ đã hẹn nhau, trốn lên hang núi Khau Vai để sống cùng nhau. Sự việc diễn ra, đã châm ngòi cho hai bên gia đình, 2 dòng tộc tranh cãi, xô xát... máu đã đổ... thương cha mẹ, họ hàng, dòng tộc, không muốn thù hận giữa hai gia đình, dòng tộc... nên hai người đã gạt nước mắt, chia tay nhau, về nhà. Họ hẹn nhau kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hàng năm cứ đúng ngày chia tay này sẽ tìm về gặp lại nhau tại núi Khau Vai... ngày họ chia tay là ngày 27/3 (âm lịch).
II- Tuyên truyền về “Chợ tình Khau Vai”, việc làm quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nhân văn trong thời kỳ hội nhập:
1- Tuyên truyền, giới thiệu để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa nhân văn:
Truyền thuyết và thực tế nội dung nguyên gốc của Chợ tình Khau Vai là một câu chuyện tình đẹp, chắc trở, có hậu đem đến cho con người, cho xã hội một cách nhìn văn hóa, độ lượng, vị tha trước tình yêu lứa đôi, phê phán những phong tục, tập quán lạc hậu, thiếu nhân văn trong xã hội và đặc biệt là có cách nhìn, cách giải quyết rất mới, hiện đại, tình người đối với những “góc khuất”, những “phút sao lòng” trong tình cảm và cuộc sống vợ chồng. Nội dung đích thực của Chợ tình Khau Vai nhắc nhở, mở ra cho rất nhiều người chúng ta một cách tiếp cận mới rất nhân văn về một thực tế có thật trong cuộc sống vợ chồng và tình yêu lứa đôi; cách giải quyết của Chợ tình Khau Vai giành cho những mối tình không “nên vợ thành chồng” đã vượt lên trên luật pháp hiện hành, vượt qua rào cản của đạo đức xã hội để rất tự nhiên, xác lập một chuẩn mực đạo đức mới cho những “góc riêng” của cuộc sống vợ chồng. Điều quan trọng nhất là: Tất cả những người chồng, người vợ từ trẻ đến già, của các dân tộc Tày, Giấy, Nùng, Dao, Mông ở vùng Khau Vai và các xã phụ cận đều tự nguyện, vui vẻ chấp nhận việc “ra đi” của vợ mình, chồng mình trong đêm 26, ngày 27/3 đó. Họ coi đó là việc làm đương nhiên, việc làm tốt, phù hợp đạo đức, phong tục tập quán của dân tộc mình. Đây là một nét đẹp rất nhân văn, mà tôi nghĩ cần được trân trọng trong cuộc sống hôm nay.
+ Tại Hà Giang, ngay sau khi tái lập tỉnh (1991), Chợ tình Khau Vai và nội dung của chợ tình đã được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo để tuyên truyền, quảng bá gắn với hoạt động du lịch tìm hiểu về đất nước, con người Hà Giang. Năm 1993, năm đầu tiên tỉnh hỗ trợ cho huyện và xã trong việc tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các nội dung, gắn lễ hội với nội dung chợ tình và từ đó đến nay, cứ đúng dịp 27/3 âm lịch chợ tình lại họp, những người bạn, tình duyên chắc trở, một năm trước chia tay nhau, thì từ chiều 26/3 họ đã tìm về Khau Vai, rồi nhân dân các xã xung quanh, người dân các huyện trong tỉnh; và từ 3, 4 năm trở lại đây, khách du lịch từ các vùng miền trong nước, khách quốc tế... đến với Chợ tình Khau Vai ngày càng đông; Khau Vai và chợ tình đã thực sự trở thành một địa chỉ du lịch thu hút du khách thập phương.
2- Thực hiện tuyên truyền gắn nội dung của chợ tình với các hoạt động văn hóa bản sắc để tạo địa chỉ, điểm đến thu hút các hoạt động du lịch - kích thích sự phát triển cho KT - XH tại địa phương.
Tỉnh ủy Hà Giang đã có nghị quyết chuyên đề về hoạt động thương mại - du lịch - dịch vụ của địa phương; trong đó khẳng định việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chợ tình Khau Vai là một địa danh, một nội dung được đề cập và nhấn mạnh. Thực hiện nghị quyết, đã mở ra cách làm và hướng đi mới nhưng phù hợp để chợ tình vẫn giữ được nguyên nghĩa ban đầu đẹp đẽ của nó, đồng thời có nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ để thu hút khách bốn phương, phục vụ cho người đến chơi, thăm quan, du lịch Chợ tình Khau Vai. Đường vào Khau Vai đã được mở và trải nhựa, cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện nâng cao; khu vực đồi Khau Vai, rừng cây thiên nhiên, bãi cỏ ven rừng được tu sửa, bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng, đúng với cảnh quan, sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, để du khách đến nơi đều thấy được tại sao chính nơi đây, chứ không phải nơi nào khác đã được các đôi tình nhân lựa chọn, tìm về để tâm sự, trao nhau nỗi lòng sau bao ngày xa cách; từ đó từng bước tạo nên địa chỉ, tạo nên thương hiệu cho ai cũng muốn tìm về khi ngày 27/3 đến gần.
Đối với công tác tuyên truyền, Báo Hà Giang chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh, trong nước để quảng bá, giới thiệu về địa danh, nội dung, tính nhân văn, sự cuốn hút, kích thích sự tò mò, tìm hiểu đối với Chợ tình Khau Vai của bạn đọc và du khách gần xa. Chúng tôi xác định để chợ tình Khau Vai thực sự là một địa chỉ văn hóa, một điểm đến của khách du lịch và nhân dân trong, ngoài tỉnh thì công tác tuyên truyền phải đạt được 2 nội dung mà đó cũng chính là 2 yêu cầu của những người làm du lịch ở địa phương, đó là:
Thứ nhất: Phải giữ, không được làm pha tạp, vấy bẩn ý nghĩa đẹp đẽ, nhân văn, nguyên bản của Chợ tình Khau Vai; không để các nội dung dung tục, không lành mạnh, lai căng, lấn át cái đẹp, cái đúng, cái tốt mà Chợ tình Khau Vai có tác dụng đem lại cho chúng ta.
Thứ hai: Có thể kết hợp nội dung chợ tình với hoạt động lễ hội; các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ để thu hút khách du lịch và đảm bảo phục vụ cho du khách khi về với chợ tình; nhưng tất cả các hoạt động này chỉ nhằm mục đích làm nền, làm cơ sở phục vụ cho việc duy trì nội dung đẹp đẽ, nhân văn của chợ tình, chứ không được phép thay thế cho nội dung chính của Chợ tình Khau Vai làm sai lệch bản chất của nó.
Với 2 nội dung, tiêu chí trên, công tác tuyên truyền của Báo Hà Giang đã góp phần rất quan trọng để hôm nay, Chợ tình Khau Vai 27/3 hàng năm đã thực sự là địa chỉ, là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ngày 27/3 (âm lịch) lại đến gần, xin mời các bạn đồng nghiệp, du khách gần xa hãy đến với Hà Giang, đến với Chợ tình Khau Vai, trước khi đi lưu ý các bạn, nhớ hẹn với một nửa còn lại của mình đang ở nơi nào đó, hãy cùng về với nhau tại đồi Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang! Nhớ về bạn nhé!